Tiêu đề bài viết đã được thay đổi theo chủ đích của tôi các bạn ạ (bài viết gốc, ở cuối có đường dẫn cụ thể). Tôi nghĩ bài viết này không chỉ áp dụng cho sinh viên mới ra trường, nó áp dụng cho tất cả chúng ta để có mấy phút ít ỏi trong ngày nhìn lại và căn dặn lại mình.
...
Mấy ngày vừa qua, câu hỏi làm thế nào để có mức lương khởi điểm là 2.000 USD của nữ sinh Học viện Kỹ thuật mật mã đã nhận được khá nhiều ý kiến tranh luận của cộng đồng mạng. Người thông cảm thì nói rằng các em có quyền mơ ước và phấn đấu, người chỉ trích thì cho rằng đây là câu hỏi viển vông, phi thực tế.
Tạm quên câu chuyện mức lương 2.000 USD và những chỉ trích của cộng đồng mạng, các bạn sinh viên mới ra trường cần chuẩn bị những gì cho hành trang nghề nghiệp của mình vẫn luôn là câu hỏi khó.
Bạn vất vả học hành suốt 12 năm phổ thông, rồi đến 4-6 năm đại học. Đó chưa phải là hành trình gian khó nhất nếu bạn chưa biết mình thích gì và thế mạnh của mình ở đâu. Nhiều bạn trẻ dành phần lớn thời gian của mình cho những kế hoạch du lịch, hôm nay mặc gì, ngày mai ăn gì… thì làm gì còn thời gian để tìm hiểu con đường mà mình sẽ đi.
Nếu bạn đang phải đối mặt với những vấn đề này khi lựa chọn con đường sự nghiệp, hãy tự đặt cho bản thân 5 câu hỏi dưới đây và tìm cách trả lời chúng.
1. Bạn đã nắm chắc con đường nghề nghiệp mà mình lựa chọn chưa?
Đây là câu hỏi đầu tiên mà mỗi sinh viên chuẩn bị ra trường cần phải đặt ra cho bản thân. Hầu hết những người đưa ra quyết định nghề nghiệp sai lầm vì họ không nắm chắc con đường mà mình sẽ đi.
Chúng ta thường đưa ra quyết định lựa chọn nghề nghiệp dựa trên kiến thức tạm thời, tức là kiến thức ta tích lũy được ở thời điểm đi xin việc. Theo thời gian, chúng ta bắt đầu tập trung vào những tầm nhìn dài hạn và nhận ra những kiến thức tạm thời đó chẳng có ý nghĩa gì. Thế nhưng, có những người mất 10, 20, thậm chí 30 năm mới nhận ra điều này. Vậy thì tương lai của bạn ở đâu và bạn đã theo đuổi điều gì trong suốt thời gian qua?
2. Bạn muốn cung cấp giá trị gì cho người khác?
Một điều khá đáng buồn là trong tất cả những lo lắng về nghề nghiệp, hầu hết chúng ta đều chưa nghĩ đến việc mình sẽ đem lại giá trị gì cho người khác. Đi xin việc nghĩa là bạn đang bán mình, vậy thì bạn có thể bán cho khách hàng (tức ông chủ) cái gì? Giá trị của bạn đóng góp vào công ty, tổ chức hay khách hàng là gì?
Hãy nghĩ đến khoản tiền gần đây nhất mà bạn trả cho một ai đó, có phải bạn tình nguyện không hay vì họ đã cung cấp sản phẩm hoặc dịch vụ cho bạn? Vậy đó, khi bạn đi xin việc cũng thế, hãy đặt mình vào vị trí của nhà tuyển dụng để biết vì sao họ phải trả tiền thuê bạn.
3. Bạn muốn ghi dấu ấn như thế nào?
Ai cũng biết đến Steve Jobs hay Mahatma Gandhi vì những thành tích vĩ đại của họ trong công việc. Vậy làm thế nào để bạn cũng ghi được dấu ấn như họ? Làm sao để người khác nhớ đến bạn khi họ sử dụng sản phẩm hoặc dịch vụ do bạn cung cấp?
Tất cả những điều này phụ thuộc vào chính bản thân bạn và lựa chọn nghề nghiệp của bạn. Hãy theo đuổi một sự nghiệp lâu dài và thành công, đừng theo đuổi những đam mê phù phiếm ngắn hạn.
4. Bạn có sẵn sàng chịu đựng kỷ luật?
Bất cứ một nơi làm việc nào cũng có những kỷ luật riêng và bạn không thể mang quy định của công ty A đến áp dụng tại công ty B. Nếu bạn nghĩ rằng bạn đã là “ngôi sao” ở công ty cũ và sau một thời gian, bạn chuyển việc đến công ty mới bạn vẫn là ngôi sao.
Thực tế là bạn đã nhầm. Khi đến công ty mới, bạn phải bắt đầu lại từ đầu, với nỗ lực mới và tuân theo những kỷ luật mới. Bạn có sẵn sàng chịu đựng những kỷ luật này để gặt hái thành công không?
5. Và ai sẽ khóc khi tôi mất đi?
Khi bạn lựa chọn một nghề nghiệp, nó không chỉ ảnh hưởng đến cuộc đời bạn mà còn liên quan đến rất nhiều người khác. Bạn lựa chọn làm một người tầm thường hay một người thành công trong công việc? Và ai sẽ nhớ đến bạn khi bạn rời đi?
Không có công thức sẵn cho lựa chọn nghề nghiệp của bất cứ ai, nhưng bạn cần phải nhớ rằng: Lựa chọn công việc dựa trên đam mê và sứ mệnh giúp đỡ mọi người, bạn mới có thể gặt hái được thành công. Lịch sử đã chứng minh, những doanh nhân vĩ đại và kiệt xuất đều là những người làm việc vì lợi ích của cả cộng đồng.